Nhớ về ngày xa xưa, tự thuở Hùng Vương, vùng đất thuộc Hà Nội ngày nay, đã có những thiếu niên dũng cảm cùng cha mẹ dựng nước và giữ nước.
Nhớ về ngày xa xưa, tự thuở Hùng Vương, vùng đất thuộc Hà Nội ngày nay, đã có những thiếu niên dũng cảm cùng cha mẹ dựng nước và giữ nước.
|
Thiếu nhi Thủ đô trong lịch sử dân tộc
Nhớ về ngày xa xưa, tự thuở Hùng Vương, vùng đất thuộc Hà Nội ngày nay, đã có những thiếu niên dũng cảm cùng cha mẹ dựng nước và giữ nước.
Đời Hùng Vương thứ 6, cách đây hơn 3000 năm, tại huyện Gia Lâm ở làng Phù Đổng có truyền thuyết kể về cậu bé làng Gióng, đã cưỡi ngựa sắt, vung gậy sắt, nhổ cả cụm tre lên mà quật tan tác cả giặc Ân, bảo vệ quê hương.
Thời nhà Lý, vào năm 1103, ở đất Đại Yên (nay thuộc quận Ba Đình) truyện kể lại có em gái nhỏ lên 9 tuổi tên là Hoa - gọi là Nàng Hoa, đã theo lão tướng Lý Thường Kiệt đi đánh giặc, làm trinh sát, lấy được tin tức, giúp cho quân ta đánh thắng.
Ý chí của trang thiếu niên Trần Quốc Toản bóp nát trái cam để đòi ra trận ghi trên lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” đã trở thành hình tượng “cả nước đồng lòng” không thể nào quên trong pho sử oai hùng ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông của triều đại nhà Trần thế kỉ XIII. Tên tuổi của người anh hùng niên thiếu ấy đã được Bác Hồ lấy làm tên cho một phong trào hoạt động của Đội thiếu niên từ năm 1948, đó là “Phong trào Trần Quốc Toản” mà thiếu nhi cả nước hiện nay vẫn đang thực hiện.
Nhiều bậc dũng tướng, danh nhân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... đều có thuở niên thiếu cần cù, chăm học, chăm làm việc, mang ý chí, ước mơ lớn để thành người có ích cho Tổ quốc...
Trong dòng lịch sử vẻ vang của người Hà Nội từ thuở dựng nước trải qua mấy nghìn năm giữ nước, có tuổi thơ Hà Nội dũng cảm đi theo...
1. Theo bước cha anh đi trên đường cách mạng
Nước Việt Nam ta từ thời Hùng Vương cho đến các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê (hậu Lê), Nguyễn... đời nào cũng có giặc ngoại xâm tới đánh chiếm, cướp bóc.
Tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược cửa biển Đà Nẵng, sau đó mau chóng đánh chiếm các tỉnh Nam bộ. Triều đình nhà Nguyễn đóng ở Huế, đứng đầu là Vua Tự Đức đã không chống đỡ nổi, dần dần lùi bước, quân Pháp lấn tới và chiếm hẳn nước ta.
Ngày 20 tháng 11 năm 1873, quân Pháp đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất. Nhân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Ông bị thương nặng và bị giặc bắt. Ông đã không ăn cơm của giặc, không chịu băng bó bởi bàn bay của giặc và đã hi sinh.
Ngày 25 tháng 4 năm 1882, giặc Pháp lại đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Tổng đốc Hoàng Diệu đã treo mình tự vẫn khi thành Hà Nội bị giặc chiếm.
Từ đấy, nhân dân Hà Nội nung nấu ý chí căm thù, không ngừng đấu tranh để giải phóng quê hương.
Trong những năm giặc chiếm đóng, thiếu nhi Hà Nội đã cùng chịu chung nỗi thống khổ của cha mẹ, của đồng bào trong cảnh bị quân giặc áp bức, bóc lột, đoạ đày. Khổ nhất là các em ở những gia đình nghèo. Người nghèo ở thành thị và nông thôn chiếm số đông: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; đói rách, bệnh tật hành hạ. Trẻ em hầu hết không được đi học. Có gia đình đói quá phải mang con đi bán hoặc đi ở thuê cho nhà giàu. Ban đêm lấy ánh trăng làm đèn. Ban ngày nắng mưa không mũ nón. Rét mướt thì lấy ổ rơm làm giường. Mùa nóng nực thì lấy bẹ tre, mo cau làm quạt. Đã thế, quân giặc còn luôn luôn bắt bớ, đánh đập, ngăn cấm trẻ em, người nghèo không được tới những nơi vui chơi, ăn ở của quân chiếm đóng và người giàu. Cả chốn di tích, cảnh đẹp của đất nước cũng không được tới. Nước Việt Nam bị gọi là An-nam. Các vị anh hùng dân tộc thì bị chúng coi là quân giặc.
Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Hà Nội, thiếu nhi Hà Nội đã nghe theo tiếng gọi đứng lên đánh đuổi giặc, giải phóng quê hương của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ 20.
Cuộc cách mạng đi đến giải phóng đất nước bắt đầu từ chuyến rời Tổ quốc ra đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (ngày 5 tháng 6 năm 1911) để tìm con đường cách mạng cho nhân dân vùng dậy đập tan xích xiềng nô lệ.
Người thanh niên ấy sau này là Bác Hồ kính yêu.
Năm 1926, mang tên gọi là Nguyễn ái Quốc, Bác Hồ đã tổ chức một nhóm thiếu nhi yêu nước đầu tiên của nước ta lúc bấy giờ. Một trong những thiếu nhi được Bác Hồ dạy dỗ lúc đó, là anh Lý Tự Trọng.
Cũng năm 1926, Hà Nội thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, mở đầu cho những năm tháng đấu tranh oanh liệt của tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội từ trong rên xiết gông xiềng của giặc Pháp.
Thiếu nhi, học sinh Hà Nội được thức tỉnh, nâng cao lòng yêu nước qua những tấm gương chiến đấu, bất khuất của cha anh, lúc bấy giờ còn là những thanh niên trẻ đã sớm bước lên đường cách mạng, theo tiếng gọi của non sông đất nước.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Năm 1931, Đoàn TNCS ở nước ta ra đời. Ngày 04 tháng 01 năm 1931, tổ chức Đoàn TNCS đầu tiên của Hà Nội chính thức được Đảng bộ Hà Nội công nhận. Cuối năm 1941, tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội ra đời, lần đầu tiên có Ban Chấp hành hoạt động trong chương trình đấu tranh của mặt trận Việt Minh.
Từ 1931 đến 1941, các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi của Hà Nội đã hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng với phong trào của cả nước lúc đó quyết chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, sự đàn áp, bắt bớ, giết chóc của quân thù để đi đến ngày thắng lợi. Nhiều người đã hi sinh âm thầm, lặng lẽ. Có người trải qua biết bao khổ ải trong các nhà tù, vòng vây đuổi bắt của địch, kiên cường chống chọi lại gông xiềng và súng đạn, một lòng tin tưởng vào súng đạn, một lòng tin tưởng vào thắng lợi ngay cả khi bị giặc tuyên án tử hình và đã có mặt trong ngày đại thắng của toàn dân. Đó là các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp,...
Gương chiến đấu hi sinh của anh Lý Tự Trọng, người đoàn viên đầu tiên cũng là người liệt sĩ đầu tiên của Đoàn đã nêu cao ý chí bất khuất, giặc dụ dỗ thế nào cũng không nghe, giặc tra tấn dữ dội đến thế nào cũng không sợ, vẫn kiên quyết không khai báo để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào, khiến quân thù phải khâm phục. Những năm ấy, Hà Nội có các anh Nguyễn Hoàng Tôn, Trần Thiện Kế, Nguyễn Văn Bạch (tức Hồng Quang)... đã lần lượt có mặt trong các đợt đấu tranh và đã nêu cao khí phách anh hùng của tuổi trẻ Hà Nội trước quân thù.
2. Đội TNTP Hồ Chí Minh Hà Nội
a. Những ngày đầu chuẩn bị
Việc săn lùng các cán bộ Việt Minh của Nhật Pháp và tin tức đánh Nhật, chống Tây, nổi dậy khởi nghĩa từng nơi, từng cuộc chiến đấu từ chiến khu Cao Bằng - Lạng Sơn đưa về Hà Nội đã như lời kêu gọi, thôi thúc nhân dân Hà Nội. Những em bé bán báo tại bến tàu, bến xe, khu phố lớn đã là người loan báo tin mới nhất về các câu chuyện sục sôi, náo nức đó.
Năm 1942, 1943... từ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm... đến các hoạt động của “Thanh niên Đoàn”, “Tổng Hội Sinh viên”, “Thanh niên công giáp”... đã thu hút cả các học sinh trường tiểu học, các em bé hiếu động, tò mò muốn tìm biết “những chuyện lạ”. Từ nội thành, lập Đoàn Thanh niên, vừa bí mật, vừa công khai hoạt động.
Bước sang năm 1944, không khí đấu tranh đã dâng cao dần. Các đội tuyên truyền xung phong, tự vệ được thành lập và hoạt động, tập dượt, có cả sự tham gia của các em bé nghèo, hiếu động, vừa đi xem, và cũng vừa là để canh gác cho các anh, các chị lớn.
Tại những nơi có đông trẻ em như trường học, khu dân nghèo... đã hình thành từng nhóm hoặc tổ chức đoàn thể do các anh, chị thanh niên là cán bộ Việt Minh hướng dẫn tham gia hoạt động cách mạng. Đội TNTP của Thành phố Hà Nội đã ra đời vào thời điểm này.
b. Đội thiếu nhi Trần Hưng Đạo
Đầu năm 1944, tại số nhà 14 phố Trần Hưng Đại Đạo cũ (nay là phố Ngũ Xã phường Trúc Bạch quận Ba Đình) đã nhóm họp tốp thiếu nhi yêu nước đầu tiên để hình thành một tổ chức Đội. Anh Tô An - một đoàn viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc được Đoàn cử ra phụ trách. Đấy là các thiếu nhi tuổi từ 12 đến 16 cùng phố, cùng trường thuộc khu vực Trúc Bạch. Đội lấy tên phố Trần Hưng Đạo làm tên Đội. Từ mười đội viên ban đầu, Đội phát triển ngày một đông, thu hút thêm các bạn ở Phú Thượng, Nhật Tân tới Hàng Than, Hàng Bún gia nhập. Sau một thời gian hoạt động, Đội viên Đỗ Huy Vũ được cử làm đội trưởng - Đoàn thiếu nhi Nguyễn Thái Học (1944 - 1946).
Sang năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), để bảo đảm an toàn, địa điểm sinh hoạt Đội rời từ phố Trần Hưng Đạo sang phố Nguyễn Thái Học và cũng lấy tên phố làm tên mới của Đội. Trụ sở bí mật đặt tại số nhà 22.Hoạt động bí mật của Đội là những việc: rải truyền đơn, dán truyền đơn nơi đông người, thành cửa tàu điện, làm giao thông liên lạc, tham gia các cuộc biểu tình... Đến tháng 8 năm 1945, đội đã có tới 200 đội viên, chia thành 9 trung đội, có hẳn một trung đội toàn các em gái, mỗi trung đội có một phụ trách. Đội trưởng của đội trước đây, trở thành người phụ trách chung. Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Các tổ chức của Đội lần lượt ra đời tại Hà Nội: từ một Đội Trần Hưng Đạo, giờ đã có hàng chục, hàng trăm đội nữa, ở các khu phố, làng thôn khắp nội ngoại thành. Tiêu biểu là các Đội: Mai Hắc Đế, Hoàng Văn Thụ... Nhà “ấu trĩ viên” trước đây trẻ em nghèo không được tới vui chơi, đã trở thành nơi tập hợp thiếu nhi của thành phố. Cũng từ đây Bản Điều lệ Nghi thức đầu tiên thống nhất trong thành phố ra đời. Bản Điều lệ nêu rõ mục đích của Đội là đoàn kết thiếu niên và nhi đồng, được cụ thể hoá bằng 5 điều tâm niệm:
1. Em vâng lời Ban chỉ huy;
2. Em đoàn kết thương yêu các bạn;
3. Ở nhà em ngoan ngoãn, ra đường lễ phép, đến trường em chăm học;
4. Em biết ơn các chiến sĩ đã hi sinh chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc.
5. Em quyết không để ai xâm phạm đến Tổ quốc của chúng ta.
Ngay trong những ngày tháng đầu tiên mừng độc lập, thiếu nhi Thủ đô đã có mặt khắp nơi, tại các cuộc sinh hoạt lớn như: Mít tinh, biểu tình, cổ động, tham gia dạy các lớp học ban đêm cho người lớn và cho các bạn chưa biết chữ.
Cũng trong những ngày tháng ghi nhớ mãi mãi ấy, thiếu nhi Hà Nội đã nhận được sự chăm sóc của Bác Hồ thật sâu sắc và cảm động.
Các tổ chức Đội của Thủ đô chuyển sang một giai đoạn mới, để lại trong kí ức và niềm tin cậy của nhân dân thành phố như: tham gia “Tuần lễ vàng”, “Chống giặc đói, giặc dốt”, cuộc vận động bầu cử Quốc hội đầu tiên ở nước ta (6/1/1946). Những đội viên của Đội cùng cha anh bước vào cuộc chống ngoại xâm là cuộc kháng chiến chống Pháp.

Những năm kháng chiến chống Pháp (19/12/1946 - 10/10/1954)
8giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 tiếng súng kháng chiến chống Pháp nổ ran ở Thủ đô.
Tổ quốc lâm nguy, giờ cứu nước đã đến!
Dương Văn Nội
Các bạn cùng lứa tuổi với liệt sĩ thiếu niên Dương Văn Nội cho biết: Khi Đội Thiếu niên Trần Hưng Đạo (sau mang tên là Đội Hoàng Cường), địa bàn thu hút các bạn nhỏ ở phố Đội Cấn, có gặp Nội ở đấy. Anh đã cùng với hơn 60 bạn nhỏ gia nhập Đội Giao thông liên lạc khu Thăng Long và trở thành liên lạc viên của bộ đội nội thành.
Anh là con trai của một gia đình người thợ gò, rất nghèo và mồ côi cha từ nhỏ. Lên 10 tuổi, Nội đã phải đi làm thuê, đỡ mẹ nuôi ba đứa con thơ.
Đầu tháng 12/1946, Nội vào bộ đội khi mới 13 tuổi, làm liên lạc và tỏ ra rất thông minh, dũng cảm, nhiều lần qua mắt giặc, lấy được tin tức rất quan trọng.
Tháng 3 năm 1947, đơn vị rút ra đóng quân ở gần chợ Giang Xá (nay là Trạm Trôi, cách Hà Nội 16 km). Đầu tháng 4 năm 1947, quân địch mở trận càn rất lớn, hòng tiêu diệt đơn vị có Nội làm liên lạc. Nội vừa làm nhiệm vụ liên lạc vừa cầm súng chiến đấu. Với khẩu súng cũ kĩ, cao gần bằng người, Nội đã hạ được 3 tên. Sau đó, trên đường di chuyển trận địa, do phải vượt vòng vây địch ở Sấu Giá để xin tiếp viên, Nội trúng đạn giặc vào ngực và bị hi sinh. Hôm ấy là ngày 02 tháng 4 năm 1947, anh vừa bước sang tuổi 15.
Trước ngày giải phóng Thủ đô, năm 1952, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng Dương Văn Nội Huân chương chiến thắng hạng Hai, Bằng Tổ quốc ghi công số 4106 ngày 5/5/1958.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, còn có một số liệt sĩ thiếu niên nữa, tới nay chưa tập hợp được đầy đủ như: Nguyễn Văn Lê (xã Dịch Vọng, Từ Liêm), Tổ Thiếu niên trinh sát Thủ đô (xã Mễ Trì, Từ Liêm)...
Cuối mùa xuân năm 1947, giặc Pháp tạm thời chiếm đóng Hà Nội, một mảnh đất thiêng liêng của nước Việt Nam bị xâm phạm. Nhưng, quân địch không thể chiếm được lòng tin yêu, thiết tha với thiếu nhi Thủ đô - nơi có Bác Hồ, có niềm vui và những kỉ niệm tươi đẹp những em bé Hà Nội, dù ngày vui chưa được bao lâu.
Chỉ sau vài ba năm, một số đội viên của đội tình báo thiếu niên Bát Sắt, Hoàng Cường... ở lại trong lòng địch đã trở thành những chiến sĩ tình báo, công an gan dạ, thông minh, quyết chiến đấu với quân thù, khiến cho chúng phải kiêng nể. Có đội viên đã âm thầm làm công việc của Đoàn, của Đảng cho đến ngày giải phóng Thủ đô mới xuất hiện. Có đội viên theo cha mẹ, theo các anh bộ đội lên chiến khu Việt Bắc học hành, rèn luyện, sau trở thành nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh, nhà giáo...
Truyền thống yêu nước, căm thù giặc của thiếu nhi Hà Nội được nuôi dưỡng những tấm gương hi sinh chiến đấu của người Hà Nội.
Tháng 2 năm 1948, Bác Hồ kêu gọi thiếu nhi làm công tác Trần Quốc Toản. Vâng lời Bác, thiếu nhi Thủ đô đã tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực. Các em ở Nhật Tảo đã mò cua, bắt ốc, bán lấy tiền may bộ quần áo màu gụ gửi ra vùng tự do, chuyển lên chiến khu Việt Bắc, biếu Bác Hồ. Nhận được bộ quần áo này, Bác Hồ đã gửi cùng với bức thư cho Bộ Chỉ huy mặt trận thành phố để làm phần thưởng cho người chiến sĩ nào đánh giặc giởi nhất. (Nhật Tảo nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm).
Cũng từ năm 1948, theo chỉ thị của Đảng bộ thành phố, các tổ chức Đội thiếu niên không tập hợp đông mà lập thành những tổ nhỏ năm ba em vào một nhóm, chủ yếu là ở ngoại thành để bảo vệ các em. Hàng nghìn bạn nhỏ đã tham gia các nhóm đó.
Trong nội thành, có Đội Thiếu niên Hoàng Diệu, tập hợp các đội viên trong các khu phố. Hàng nghìn bạn nhỏ đã tham gia công tác kháng chiến theo từng việc và lực lượng chủ lực là 92 đội viên thiếu nhi cứu quốc Hoàng Diệu. Vậy là, trên mảnh đất bị quân thù chiếm đóng rực lửa đạn bom, những mầm sống, hạt gieo nuôi thế hệ măng non của Thủ đô vẫn vươn cao, mọc thẳng.
Trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Hà Nội từ cuối năm 1949 đến tháng 1 năm 1950, các em thiếu nhi có mặt tại các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Dũng Lạc, Văn Lang... và tại các khu phố cũng đã xuống đường cùng các anh chị lớn.
Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh cao khi bọn giặc giết hại anh Trần Văn ơn trong cuộc biểu tình ngày 9/1/1950. Hàng đoàn học sinh ở lứa tuổi thiếu niên đã dự lễ tang anh vào ngày hôm sau (10/01/1950).
Được nuôi dưỡng trong nôi truyền thống cách mạng của nhân dân Thủ đô Hà Nội, lứa tuổi măng non đất Thăng Long đã mang theo ý chí ngoan cường Trần Quốc Toản mà đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giải phóng Thủ đô vừa quyết liệt vừa hồn nhiên huyền thoại của cậu bé làng Gióng.
Cuộc chiến đấu trong lòng địch của nhân dân Hà Nội vô cùng gian khổ. Giặc mỗi ngày một tàn bạo. Trẻ em cần được bảo vệ. Tin tức về chiến dịch Biên Giới, rồi Điện Biên Phủ bay đi khắp nơi đã không gì ngăn cản được. Các em bé Thủ đô đã đọc báo, đã nghe chuyện mà biết và lặng lẽ làm theo cha anh để ngày vui ấy mau đến gần.
Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đến.
Đi trong đoàn quân chiến thắng trở về có người chiến sĩ trẻ tám năm trước còn là một em bé Hà Nội.

Trong vườn hoa đẹp (10/1954 đến 1964)
Chặng đường 10 năm sau ngày giải phóng Thủ đô vui hơn cả trong mơ.
Chỉ sau bốn tuần lễ, năm học mới đã bắt đầu. Ngày khai trường Bác Hồ đã đi thăm một số nơi và Bác dặn dò: “Học để phụng sự ai? để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh...” (Trích bài nói chuyện của Bác Hồ với học sinh các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương, ngày 18 tháng 12 năm 1954).
Tổ chức Đội TNTP phát triển mạnh trong các trường phổ thông, khăn quàng đỏ thắm khắp phố phường Hà Nội.
Mở đầu là lễ thành lập Đội ở trường Chu Văn An ngày 25 tháng 12 năm 1954. Tiếp theo là trường Nguyễn Du ngày 26/12/1954.
Đến mùa xuân 1955, Hà Nội tưng bừng mở hội trại khắp nơi.
Các lớp bình dân học vụ lại vang tiếng đọc bài trong trẻo của các “thầy giáo, cô giáo nhỏ tuổi” như hồi đầu cách mạng tháng Tám.
Nhà “ấu trĩ viên” đã trở thành nơi tụ họp thiếu niên, nhi đồng (Sau trở thành câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội và nay là Cung thiếu nhi Hà Nội).
Trong từng trường học, bằng những sáng kiến riêng, Đội đã tổ chức các đợt công tác làm việc tốt như: Trường Nguyễn Trãi có tuần lễ giúp các bạn học sinh thiếu thốn (góp gạo, cắt tóc, góp sách, mở phòng đọc sách...) hoặc tham giac các hoạt động xã hội; lấy chữ kí cấm vũ khí Nguyên tử... Trường Trưng Vương góp hàng chục nghìn đồng, hàng tạ gạo... giúp học sinh nghèo.
Các hoạt động văn nghệ, thể thao cũng mở rộng khắp nơi.
Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (4/11/1956) Đội đổi tên là “Đội Thiếu niên tiền phong” bao gồm cả thiếu niên và nhi đồng. Từ đây các việc làm mang ý nghĩa kế hoạch nhỏ đã xuất hiện thật phong phú: nào nhặt giấy loại, sắt vụn..., nào tiết kiệm đồ dùng, nuôi gà, trồng rau... cả những việc tốt như: nhặt được của rơi thì đem trả lại người mất. Các bạn ở thôn Phương Liệt đã thu gom được cả đạn súng trường rơi vãi dưới ao, trên ruộng mang nộp cho bộ đội, có cả đạn súng lớn, lựu đạn, kíp mìn và mìn) và không nghịch đạn, không để xảy ra tai nạn.


Làm nghìn việc tốt - chống Mỹ cứu nước (1964 - 1975)
Cuộc “kháng chiến chống Mỹ” trên cả nước ta bắt đầu từ ngày 5 tháng 8 năm 1964. Thiếu nhi Thủ đô vâng theo lời kêu gọi của Bác Hồ:
“... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!...” (Trích lời kêu gọi của Bác Hồ gửi nhân dân cả nước ngày 17 tháng 7 năm 1966).
Giặc Mỹ dùng máy bay mang bom đánh phá cả trường học, bệnh viện, giết chết người già, phụ nữ, trẻ em, gần 40 trường học và hơn 400 lớp học của trẻ em bị tàn phá. Trường Việt Nam - Ba Lan ở Thanh Trì bị bom đánh hỏng gần hết, học sinh phải rời hẳn đi nơi khác. Từ năm 1965, lệnh sơ tán, chuyển trường học và học sinh đến nơi an toàn để bảo vệ các em. Nhiều nơi, nhiều trường khi sơ tán đã phải làm lớp học chìm sâu xuống đất, đắp hầm, đào hố tránh bom đạn ở xung quanh. Khi đi học, đội mũ bện bằng rơm để tránh mảnh đạn rơi xuống gây nguy hiểm.
Đội TNTP Thủ đô, từ ngày cách mạng tháng Tám thành công, luôn có vinh dự thay mặt thiếu nhi Toàn quốc nhận những phần thưởng và công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước và Bác Hồ giao cho. Đặc biệt, khi Bác sắp đi xa, buổi gặp mặt của Bác với đàn cháu yêu thương cũng là với thiếu nhi Hà Nội.
Thể theo nguyện vọng của Đoàn TNCS và Đội TNTP, ngày 30/01/1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định cho Đoàn TNCS và Đội TNTP được mang tên Bác Hồ vĩ đại.
Buổi nhận cờ mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Thiếu nhi Thủ đô đã vinh dự thay mặt phong trào Đội và các bạn nhỏ toàn quốc đón nhận lá cờ và lời dạy bảo ân cần của bác Trường Chinh - Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Giữa tháng 6 năm 1961, cuộc triển lãm “Thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” được tổ chức tại dinh Phủ Chủ tịch.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là những ngày:
“Vâng lời Bác dạy
Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng”
của thiếu niên, nhi đồng Thủ đô trong phong trào: “Việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước”. Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội được Đảng bộ, Uỷ ban và nhân dân thành phố khởi công tu bổ, mở rộng xây dựng từ năm 1974 và làm xong vào mùa xuân 1977 với sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên XHCN Tiệp Khắc và trở thành một biểu tượng của tinh thần quốc tế. Từ ngôi nhà của tuổi thơ ấy đã chắp cánh cho những bầy chim tung cánh bay đi khắp mọi miền của Thủ đô và đất nước.


Nói lời hay - làm việc tốt hành quân theo bước chân những người anh hùng (1975 - 1990)
Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổ quốc đã thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Thiếu nhi hai miền đã chung vui dưới lá cờ Đội mang hình Bác. Khăn quàng trên vai cùng nhịp chân theo hành khúc truyền thống, theo bước chân những người anh hùng. Các đội viên đã tham gia chiến dịch làm sạch đẹp đường phố, múa hát tập thể. Năm 1976 công tác “làm việc tốt” được nêu rõ là “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh”. Quận Ba Đình đã dẫn đầu với kết quả: Hai triệu bông hoa việc tốt.
Năm 1977, hưởng ứng phong trào Kế hoạch nhỏ “4 triệu kg giấy vụn - xây dựng đoàn tàu TNTP, thiếu nhi Hà Nội đã thu được 1 triệu kg giấy vụn, 3 tấn thóc rơi, 200 tấn phế liệu khác, trồng 4450 mét vuông rau xanh, 9450 cây ăn quả, 2300 khóm bầu bí, may 350 áo rét cho trâu bò...
Ngày 19/2/1977, Nhà Văn hoá thiếu nhi Hà Nội khánh thành và được đưa vào sử dụng. Nhà được tu bổ và xây dựng thêm trên diện tích 2 ha gồm có:
- 1 khu nhà 6 tầng với hơn 50 phòng học.
- 1 rạp biểu diễn, chiếu phim 520 chỗ.
- 1 khu nhà truyền thống và phòng làm việc.
Đến năm 1985, Nhà Văn hoá thiếu nhi được nâng cấp, mang tên là Cung Thiếu nhi và được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba.
Đại hội Liên hoan cháu ngoan Bác Hồ thành phố lần thứ 5 được tổ chức để hưởng ứng ngày 27/7/1978.
Năm 1979, Đội có phong trào “Vì điểm tựa tiền tiêu” được cụ thể hoá từ phong trào Trần Quốc Toản do Trung ương Đoàn phát động, nâng công tác Trần Quốc Toản lên một bước mới, biểu lộ tình cảm quý mến các chiến sĩ giữ gìn và bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc.
Năm 1980 là năm của những “Chi đội mạnh” và những Sao nhi đồng xuất hiện. Hơn 3000 chi đội mạnh và các nơi lấp lánh ánh sao nhi đồng: Lê Ngọc Hân, Thăng Long, Dịch Vọng...
Tháng 7 năm 1981, “Đại hội Liên hoan cháu ngoan Bác Hồ đoàn kết, xây dựng Đội vững mạnh” của Thủ đô họp tại Nhà nghỉ Quảng Bá.
“Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất” họp ngày 21 tháng 8 năm 1981 tại Thủ đô. Hà Nội có 13 đội viên và 2 tổng phụ trách được về dự.
Năm 1982, Đội TNTP Hồ Chí Minh Thủ đô được đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng tặng 25 vạn rúp tiền thưởng của giải thưởng Lê Nin do Đảng và Nhà nước Liên Xô trao tặng cho đồng chí. Số tiền này dùng để xây dựng Trường Cán bộ Đội mang tên Lê Duẩn. Trường đã được khánh thành vào ngày 19 - 5 - 1983 và khai giảng khoá đầu tiên ngay sau đó.
Năm 1982, Đội TNTP Thủ đô đã giới thiệu 15.000 đội viên lớn lên Đoàn và kết nạp được 11 ngàn đội viên mới vào Đội.
Sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 4, Hội đồng Đội thành phố được thành lập để phụ trách Đội thay cho tổ chức cũ là Ban Thiếu nhi.
Năm 1983, Trung ương Đoàn phát động “Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng” (7/5/1983 - 7/5/1985) và mở “Chiến dịch Điện Biên Phủ” thiếu nhi Thủ đô hưởng ứng bằng các phong trào “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “Kế hoạch nhỏ”...
Hà Nội 1983, thiếu nhi Hà Nội đã khởi xướng ra phong trào “Sưu tầm lịch sử truyền thống địa phương” mà sau này gọi là: “Đi tìm địa chỉ đỏ” của cả nước. Mục tiêu “Không bỏ sót một hành động anh hùng, không được quên những chiến sĩ vô danh”. Hàng trăm phòng truyền thống đã được khai trương với những kỉ vật quý giá như: Chiếc gậy Trường Sơn của thiếu tướng Võ Bẩm (phường Quan Thánh), chiếc chăn dù của Bác Hồ tặng anh chiến sĩ ở chiến dịch Biên Giới năm xưa... Tất cả các kỉ vật đó đều để lại cho thiếu nhi những bài học lí thú của cha anh.
Trong năm học 1983 - 1984, cứ chiều thứ 7 hàng tuần, các em nhỏ vai đeo phù hiệu “Đội Kiểm tra thiếu nhi” tấp nập kéo vào trụ sở các cơ quan, trường học, hợp tác xã, các quận, huyện. Đến đâu, các em cũng được các bác lãnh đạo đón tiếp ân cần và sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các em. Sau từng đợt kiêm tra, các em có đánh giá khen, chê rõ ràng. Các em vui vì được góp phần nhỏ bé của tuổi thơ vào cuộc vận động xây dựng nếp sống đẹp của người Hà Nội.
Kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 - 1984) và 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1984) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội quân “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên - Cháu ngoan Bác Hồ”. Hàng trăm đội sao đỏ được thành lập. Nhiều đơn vị đã kết nghĩa với các đơn vị bộ đội.
Trường phổ thông Uy Nỗ - Đông Anh khởi xướng phong trào “Làm kế hoạch nhỏ xây dựng tượng đài Kim Đồng”. Phong trào nhanh chóng làn rộng ra cả nước. Ngày 15/5/1986, khu di tích Kim Đồng và tượng đài Kim Đồng đã khánh thành tại Nà Mạ - Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng.
Năm 1985, thành phố mở cuộc: Hội quân “Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân - cháu ngoan Bác Hồ” để cử đại biểu đi dự Hội quân “Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân - cháu ngoan Bác Hồ” toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh và phát động “Cuộc hành quân theo chân Bác”.
Ngày 11/5/1986, Liên hoan cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô lần thứ 7 được tổ chức tại nhà Phủ Chủ tịch.
Năm 1988, Đội TNTP Thủ đô đã tổ chức nhiều đợt hoạt động đón mừng ngày sinh thứ 100 của Bác Hồ, mừng Đảng Cộng sản Việt Nam 60 mùa xuân.

Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thủ đô lần thứ tám đã khai mạc vào tháng 6/1990. Cùng với các bạn thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Thủ đô đã viết nên trang sử vẻ vang của quê hương cậu bé làng Gióng, của Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Bát Sắt, Dương Văn Nội anh hùng.
* Tài liệu tham khảo
- Ban Chấp hành Thành Đoàn Hà Nội, “Kể chuyện lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội”, Xưởng in Tạp chí “Người đại biểu nhân dân”, 1991.
- Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái “Cẩm nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh”, Nxb Giáo dục, 2001, từ trang 25 đến trang 34.
- Phong Thu, Những trang sử Đội vẻ vang, Nxb Kim Đồng, 1986.
|
|